Viêm tai ngoài là một trong những bệnh lý tai phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là vào mùa hè hoặc khi vệ sinh tai không đúng cách. Bệnh không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà nếu không được điều trị kịp thời còn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Vậy viêm tai ngoài là gì? Nguyên nhân do đâu? Cách nhận biết và điều trị ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Viêm tai ngoài là gì?
Tai ngoài bao gồm vành tai và ống tai ngoài, phần nối từ vành tai đến màng nhĩ. Vì là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, tai ngoài dễ bị các tác nhân như vi khuẩn, nấm, nước bẩn tấn công, khiến viêm tai ngoài trở thành một trong những bệnh lý tai phổ biến nhất.

Viêm tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng tại vùng tai ngoài, gây ra hiện tượng viêm, sưng, đỏ và đau nhức. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng viêm có thể lan rộng sang các mô xung quanh và dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Tỷ lệ mắc viêm tai ngoài chiếm khoảng 10%, với ba dạng phổ biến: cấp tính, mạn tính và ác tính (hoại tử).
Viêm tai ngoài cấp tính
Đây là dạng viêm tai xảy ra trong thời gian ngắn, thường dưới 3 tuần. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể tự khỏi trong vòng 7–10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách và tránh các yếu tố gây kích ứng.
Viêm tai ngoài mạn tính
Viêm tai ngoài được xem là mạn tính khi kéo dài trên 3 tháng hoặc tái phát hơn 4 lần mỗi năm. Nguyên nhân thường do:
- Viêm tai cấp không được điều trị triệt để.
- Bệnh lý da tại ống tai như viêm da dị ứng, vảy nến.
Trên 50% bệnh nhân mắc viêm tai ngoài mạn tính bị ảnh hưởng cả hai bên tai, với các triệu chứng điển hình như: ngứa nhiều, đau tai âm ỉ, nghe kém do ống tai bị tắc nghẽn.
Viêm tai ngoài ác tính (hoại tử)
Đây là thể viêm tai nguy hiểm, xảy ra khi nhiễm trùng lan sâu và phá hủy ống tai ngoài, mô mềm xung quanh, thậm chí ảnh hưởng đến nền sọ và gây ra viêm màng não hoặc viêm xương. Đối tượng nguy cơ cao thường là nam giới lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường hoặc người suy giảm miễn dịch. Một số trường hợp hiếm gặp cũng được ghi nhận ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch nặng như bạch cầu cấp tính hoặc sau cấy ghép tủy xương.
Viêm tai ngoài ác tính là tình trạng khó điều trị và có nguy cơ tử vong cao nếu phát hiện muộn. Do đó, việc chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời là vô cùng cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho người bệnh.
Chuyên gia khuyến cáo triệu chứng viêm tai ngoài thường gặp
Viêm tai ngoài thường biểu hiện rõ rệt với nhiều dấu hiệu đặc trưng. Việc nhận biết sớm các triệu chứng giúp người bệnh chủ động thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau tai dữ dội: Đây là triệu chứng nổi bật nhất. Cơn đau thường tăng lên theo thời gian, đặc biệt khi nhai, ngáp hoặc kéo dái tai. Nhiều người cảm thấy đau tăng rõ vào ban đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt.
- Giảm thính lực tạm thời: Người bệnh có thể cảm thấy nghe kém, ù tai hoặc như có vật gì chắn trong tai. Điều này thường là do ống tai bị sưng nề và ứ dịch.
- Ngứa tai: Cảm giác ngứa ngáy khó chịu trong ống tai là triệu chứng phổ biến, nhất là trong giai đoạn đầu hoặc ở thể viêm tai do nấm.
- Ống tai sưng đỏ, chít hẹp: Da vùng ống tai trở nên nề đỏ, sau đó phù nề khiến lòng ống tai bị thu hẹp, thậm chí có thể chảy dịch màu vàng, kèm theo bong tróc từng mảng biểu bì màu trắng.
- Sốt: Một số trường hợp có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, đặc biệt khi viêm lan tỏa hoặc có nhiễm trùng nặng.
- Xuất hiện nhọt hoặc u nhỏ trong ống tai: Gây đau dữ dội, nhất là khi chạm vào, thường gặp trong viêm tai ngoài khu trú (nhọt ống tai).
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào kể trên, đừng chủ quan hoặc tự điều trị tại nhà. Hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách. Việc can thiệp sớm giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục.

Nguyên nhân gây viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại ống tai ngoài và có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân này được chia thành các nhóm chính sau:
Do viêm nhiễm
Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn, đặc biệt là Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) – loại vi khuẩn thường có mặt trong môi trường nước. Ngoài ra, một số loại nấm cũng có thể gây ra viêm tai ngoài, đặc biệt trong điều kiện ẩm ướt hoặc ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Do ứ đọng dịch hoặc vật lạ trong tai
Tình trạng dịch hoặc mủ từ tai giữa bị ứ đọng, hoặc có vật lạ mắc kẹt trong ống tai, đều có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm tai ngoài.
Do chấn thương cơ học
Ngoáy tai bằng các vật cứng, sắc nhọn hoặc không đảm bảo vệ sinh như tăm bông, kẹp gắp tai… có thể làm trầy xước lớp da bảo vệ bên trong ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập và gây viêm.
Do bệnh da mãn tính
Các bệnh lý da như chàm (eczema), vảy nến hoặc viêm da dị ứng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn, khiến da vùng tai nhạy cảm, dễ tổn thương và dễ bị nhiễm trùng hơn bình thường.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khởi phát hoặc tái phát viêm tai ngoài:
- Thường xuyên bơi lội, đặc biệt là ở nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
- Ống tai hẹp (thường gặp ở trẻ nhỏ), dễ khiến nước đọng lại và gây nhiễm trùng.
- Vệ sinh tai quá mức bằng tăm bông hoặc các dụng cụ không phù hợp, gây trầy xước
- Sử dụng tai nghe, máy trợ thính thường xuyên mà không được vệ sinh sạch sẽ.
- Tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như trang sức, thuốc nhuộm tóc, keo xịt tóc, gây viêm da tiếp xúc vùng tai.
Phác đồ điều trị viêm tai ngoài
Để xác định tình trạng viêm tai ngoài, bác sĩ sẽ thực hiện soi tai nhằm quan sát trực tiếp ống tai và màng nhĩ. Đồng thời, mẫu dịch mủ từ tai có thể được lấy để làm xét nghiệm, giúp xác định chính xác vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh.
Việc điều trị viêm tai ngoài cần tuân theo chỉ định y khoa. Thông thường, bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc nhỏ tai có chứa kháng sinh, sử dụng liên tục trong khoảng 10 đến 14 ngày.
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị bao gồm:
- Dùng thuốc kháng sinh đường uống nếu nhiễm trùng lan rộng hoặc có liên quan đến tai giữa
- Corticosteroid có thể được sử dụng để giảm viêm và sưng nề
- Thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả
- Có thể áp dụng chườm ấm ngoài tai để làm dịu các cơn đau nhẹ
Lưu ý: Sau khi các triệu chứng đã khỏi hẳn, người bệnh nên tiếp tục giữ tai khô ráo ít nhất một tuần để phòng tránh tái phát. Với những trường hợp viêm tai ngoài kéo dài hoặc tái đi tái lại, cần được theo dõi và điều trị lâu dài, kết hợp tái khám định kỳ nhằm ngăn ngừa biến chứng và duy trì sức khỏe tai ổn định.

Hướng dẫn vệ sinh tai đúng cách khi bị viêm tai ngoài
Khi đang trong quá trình điều trị viêm tai ngoài, việc vệ sinh tai cần được thực hiện cẩn thận và đúng cách để tránh làm tình trạng nặng hơn.
Tự vệ sinh tại nhà:
- Người bệnh chỉ nên dùng bông tăm để nhẹ nhàng thấm khô dịch tiết ở khu vực ngoài cùng của ống tai (cửa tai), tuyệt đối không ngoáy sâu vào trong để tránh làm tổn thương da tai đang viêm.
- Có thể dùng bông y tế hoặc bông tẩy trang thấm nước muối sinh lý để lau nhẹ vùng vành tai và phần má tiếp giáp với tai, giúp giữ vệ sinh sạch sẽ bên ngoài.
Vệ sinh chuyên sâu tại cơ sở y tế
Để làm sạch hoàn toàn ống tai và loại bỏ các yếu tố cản trở điều trị, người bệnh nên đến khám tại bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng. Tại đây, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng như ống nội soi hoặc kính hiển vi để quan sát rõ cấu trúc ống tai trước khi tiến hành làm sạch. Quy trình vệ sinh y tế gồm các bước:
- Quan sát ống tai: Bác sĩ sẽ dùng nội soi hoặc kính hiển vi để kiểm tra tình trạng ống tai và màng nhĩ.
- Làm sạch nhẹ nhàng: Dụng cụ y tế chuyên biệt như ống hút tai hoặc que gắp sẽ được dùng để lấy bỏ ráy tai và dịch viêm ra ngoài.
- Rửa bằng dung dịch sát khuẩn: Nếu màng nhĩ không bị thủng, bác sĩ có thể dùng dung dịch sát trùng phù hợp để rửa nhẹ nhàng bên trong ống tai.
Cách phòng ngừa viêm tai ngoài hiệu quả
Để bảo vệ tai khỏi nguy cơ viêm nhiễm, mỗi người nên lưu ý thực hiện những biện pháp sau:
- Giữ tai luôn khô ráo: Tránh để tai tiếp xúc thường xuyên với nước, đặc biệt khi tắm hoặc bơi lội.
Ngăn nước vào tai: Khi tắm, bạn có thể sử dụng miếng bông gòn được thấm nhẹ một lớp dầu khoáng để đặt vào vành tai, giúp ngăn nước xâm nhập vào ống tai. - Xử lý đúng cách khi tai bị vào nước: Nghiêng đầu sang bên để nước thoát ra ngoài dễ hơn. Tiếp theo kéo nhẹ dái tai theo nhiều hướng để hỗ trợ dòng nước chảy ra, lau khô vùng ngoài của ống tai một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra bạn có thể dùng máy sấy tóc ở chế độ mát hoặc thấp nhất, giữ khoảng cách bằng chiều dài cánh tay để hong khô phần bên trong
- Tránh sử dụng tăm bông để ngoáy tai: Thói quen này dễ gây tổn thương ống tai và vô tình đẩy ráy tai vào sâu hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và nước bị giữ lại.
- Không nên dùng nút tai thông thường: Trừ khi là loại chuyên dụng để ngăn nước, các loại nút tai khác dễ làm nước và ráy tai mắc kẹt trong ống tai, gây nguy cơ viêm nhiễm.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ: Nếu được chỉ định, hãy dùng dung dịch nhỏ tai đúng liều lượng và thời gian để ngăn ngừa tái phát.
Hạn chế sử dụng bông tai, giảm nguy cơ bị viêm tai ngoài
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài có phải là bệnh nguy hiểm?
Tùy theo mức độ, viêm tai ngoài có thể dao động từ một đợt viêm nhẹ ở ống tai đến tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm tai ngoài ác tính – có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm tai ngoài có thể tự hết không?
Đây là bệnh lý cần điều trị y tế. Nếu không được can thiệp sớm, nhiễm trùng có thể lan rộng và gây ra các biến chứng ở các mô quanh tai. Do đó, người bệnh không nên chủ quan hoặc tự ý để bệnh tự khỏi.
Mất bao lâu để điều trị khỏi viêm tai ngoài?
Nếu được điều trị đúng phác đồ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bệnh thường cải thiện rõ rệt trong vòng 7–10 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp kéo dài hoặc điều trị không đầy đủ, thời gian hồi phục có thể lâu hơn.
Cách sử dụng thuốc nhỏ tai hiệu quả:
- Người bệnh nên nằm nghiêng sang bên không bị viêm để thuốc dễ thấm vào trong tai.
- Sau khi nhỏ thuốc, tiếp tục nằm yên trong khoảng 3–5 phút.
- Dùng tay ấn nhẹ phần nắp tai (bình tai) vài lần để giúp thuốc lan đều vào ống tai.
- Số lần nhỏ thuốc mỗi ngày tùy thuộc vào loại thuốc được kê, thường là từ 2 đến 5 lần.
Viêm tai ngoài tuy là bệnh lý phổ biến và thường không quá nghiêm trọng nếu được phát hiện sớm, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu chủ quan hoặc điều trị sai cách. Việc trang bị kiến thức cơ bản về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách phòng ngừa và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn bảo vệ tốt sức khỏe thính giác của bản thân và người thân trong gia đình. Khi có dấu hiệu bất thường ở tai, hãy chủ động thăm khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và can thiệp đúng lúc.
Xem thêm: