Trong thai kỳ, khám tai mũi họng cho bà bầu đóng vai trò quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi bởi sự thay đổi nội tiết, hệ miễn dịch và tuần hoàn khiến mẹ bầu dễ mắc các vấn đề như viêm họng, nghẹt mũi, ù tai. Hiểu rõ các triệu chứng thường gặp và biết khi nào cần thăm khám sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa và điều trị kịp thời, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.
Các vấn đề tai mũi họng thường gặp ở bà bầu
Việc nhận biết các triệu chứng này rất quan trọng để bà bầu có thể đi khám tai mũi họng kịp thời. Bác sĩ sẽ kiểm tra và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và an toàn cho cả mẹ và bé. Dưới đây một số triệu chứng điển hình mẹ bầu cần lưu ý:
- Hắt hơi nhiều: Hắt hơi liên tục, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
- Ngứa mũi, chảy nước mũi: Ngứa ngáy khó chịu trong mũi, kèm theo chảy nước mũi trong hoặc trắng.
- Tắc, nghẹt mũi: Khó thở, nghẹt mũi, đặc biệt là khi nằm.
- Viêm, ngứa họng: Cảm giác ngứa rát, khó chịu ở cổ họng.
- Chảy nước mắt: Mắt ngứa, đỏ và chảy nước mắt.
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi, uể oải do khó thở và ngủ không ngon giấc.
- Đau đầu: Đau đầu có thể xuất hiện thường xuyên do nghẹt mũi và viêm xoang.

Nguyên nhân dẫn đến viêm tai mũi họng ở bà bầu
Một trong những nguyên nhân chính gây viêm mũi ở bà bầu là sự thay đổi nội tiết tố. Khi mang thai, nồng độ estrogen tăng cao làm màng mũi sưng to, tiết nhiều dịch nhầy, gây ra tình trạng nghẹt mũi và khó thở. Đồng thời, lượng máu trong cơ thể tăng cao cũng khiến các mao mạch nhỏ bị sưng phù, thu hẹp đường thở và dẫn đến viêm mũi thai kỳ.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi đột ngột cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, cảm cúm, viêm họng. Khi hệ miễn dịch suy giảm trong thai kỳ, cơ thể mẹ trở nên nhạy cảm hơn và khó thích nghi với sự thay đổi của môi trường. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm virus hoặc vi khuẩn từ môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể bị kích thích bởi các tác nhân gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, khói thuốc, nấm mốc, nước hoa hoặc cỏ dại. Những tác nhân này có thể khiến mẹ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc viêm họng kéo dài.
Khám tai mũi họng cho bầu bầu khi nào?
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt là với các bệnh liên quan đến tai mũi họng. Một số triệu chứng nhẹ có thể tự cải thiện sau vài ngày, nhưng nếu tình trạng kéo dài hoặc nghiêm trọng, mẹ bầu nên đi khám để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày, không thuyên giảm: Nếu các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng kéo dài mà không có dấu hiệu cải thiện, mẹ bầu cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
- Sốt cao, ho dai dẳng, khó thở: Sốt cao trên 38,5°C, ho kéo dài, khó thở có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc viêm xoang cấp tính, cần được bác sĩ kiểm tra để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
- Đau tai, ù tai, giảm thính lực: Nếu mẹ bầu cảm thấy đau tai, ù tai liên tục hoặc nghe kém đi, có thể đây là dấu hiệu của viêm tai giữa hoặc viêm ống tai. Việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn.
- Nghẹt mũi nặng, khó ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp: Nếu tình trạng nghẹt mũi quá nặng, khiến mẹ bầu khó ngủ, thở khò khè, ngủ không sâu giấc, có thể đó là dấu hiệu của viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang cần được điều trị.

Chuyên gia khuyến cáo: cách chữa viêm mũi họng cho bà bầu an toàn, hiệu quả
Viêm mũi họng thường không phải là bệnh lý nguy hiểm đối với người có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, sức đề kháng suy giảm khiến bệnh dễ kéo dài, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Vì vậy, việc điều trị viêm mũi họng cho mẹ bầu cần đảm bảo an toàn, hiệu quả và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc không cần thiết.
Điều trị viêm mũi họng bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Phụ nữ mang thai không nên tự ý sử dụng thuốc khi bị viêm mũi họng. Việc dùng sai thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm. Một số loại thuốc kháng sinh an toàn được khuyến nghị sử dụng trong thai kỳ như penicillin (ampicillin, amoxicillin), cephalosporins (cephalexin), erythromycin. Bên cạnh đó, một số loại thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng cũng có thể được kê đơn, nhưng cần sử dụng đúng liều lượng và thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà giúp giảm triệu chứng
Nếu triệu chứng viêm mũi họng nhẹ, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà để cải thiện tình trạng bệnh:
- Bổ sung vitamin A và C: Vitamin A và C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh. Mẹ bầu có thể bổ sung qua các loại trái cây như cam, bưởi, dâu tây, kiwi, hoặc rau xanh như cà rốt, bông cải xanh.
- Bổ sung vitamin B: Vitamin B trong sữa động vật, sữa hạt và các sản phẩm từ sữa giúp hỗ trợ giảm viêm và tăng cường sức đề kháng.
- Súc miệng bằng nước muối: Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng để súc miệng 2 – 3 lần/ngày giúp sát khuẩn, làm dịu cổ họng và phòng ngừa vi khuẩn lây lan. Đây là thói quen tốt mà mẹ bầu nên duy trì kể cả khi đã khỏi bệnh.
Các mẹo dân gian giúp giảm triệu chứng viêm mũi họng
Ngoài các phương pháp trên, một số mẹo dân gian có thể giúp mẹ bầu giảm nhẹ triệu chứng viêm mũi họng một cách an toàn:
- Uống trà xanh: Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và làm dịu cổ họng. Mẹ bầu nên uống trà xanh ấm vào buổi sáng hoặc trưa, tránh uống vào buổi tối để không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Xông hơi: Hơi nước ấm giúp làm dịu cổ họng, giảm nghẹt mũi và cải thiện tuần hoàn máu. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên xông hơi quá lâu để tránh mất nước và gây giãn mạch máu quá mức.
- Uống nghệ tươi: Nghệ có chứa curcumin – một hoạt chất chống viêm và kháng khuẩn hiệu quả. Để hỗ trợ điều trị viêm mũi họng, mẹ bầu có thể pha trà nghệ tươi bằng cách: Rửa sạch một củ nghệ tươi, gọt vỏ và thái lát, cho nghệ vào cốc nước sôi, hãm trong 5 phút, thêm 1 – 2 thìa mật ong, khuấy đều và uống khi còn ấm.

Viêm tai mũi họng khi mang thai có thể gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Việc thăm khám sớm không chỉ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn mà còn đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào về tai mũi họng, mẹ bầu đừng chủ quan mà hãy chủ động đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Xem thêm: