Viêm mũi dị ứng thường gặp ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, cách chữa trị của căn bệnh này sẽ vô cùng đơn giản nếu bệnh nhân biết được nguyên nhân và cách chữa trị kịp thời.
Biểu hiện viêm mũi dị ứng
Thông thường, viêm mũi dị ứng sẽ được chia làm 3 loại, bao gồm: Viêm mũi dị ứng do nghề nghiệp, viêm mũi dị ứng quanh năm và viêm mũi dị ứng theo mùa.
Biểu hiện của viêm mũi dị ứng như sau:
- Cay mắt, đỏ mắt, dễ chảy nước mắt.
- Cảm thấy ngứa mũi, cay trong mũi.
- Chảy nhiều nước mũi dạng lỏng.
- Sáng sớm khi vừa ngủ dậy sẽ hắt hơi, và chảy nước mũi nhiều hơn.
- Ngứa vùng vòm hầu họng.
- Đau đầu, nhức đầu và ù tai.
Viêm mũi dị ứng sẽ kéo dài từ vài ngày đến vài tuần nếu không được điều trị hỗ trợ, thậm chí, khi bệnh diễn biến dai dẳng sẽ dẫn đến mãn tính, xảy ra những biến chứng nguy hiểm và gây khó khăn khi điều trị.
Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng
Trong cuộc sống ngày nay, khi khí hậu và thời tiết thay đổi, cùng với đó là môi trường ô nhiễm do nhiều khu công nghiệp mọc lên khiến khí thải xả ra môi trường ngày càng nhiều đã làm bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng ngày càng tăng lên.
Mặc dù viêm mũi dị ứng không gây khó khăn nhiều trong sinh hoạt nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Thậm chí, khi bệnh diễn biến nặng sẽ khiến bệnh nhân khó thở, ngạt mũi, đau hong, đau đầu, người mệt mỏi, khả năng tập trung kém, dễ cáu gắt và giảm năng suất lao động.
Viêm mũi dị ứng thường gặp khi thời tiết giao mùa như đầu mùa lạnh, hoặc mùa nóng ẩm, chính vì thế nguy cơ mắc bệnh sẽ tùy vào thời tiết. Khi bị bệnh này, các biểu hiện sẽ là chảy dịch mũi trong loãng, hay hắt hay thành tràng dài.
Viêm mũi dị ứng quanh năm xuất hiện khi tiếp xúc với các dị nguyên: khói thuốc lá, thuốc lào, bào tử nấm, lông thú, mạt, bọ nhà…
Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng cũng có thể do cơ địa quá nhạy cảm.
Phương pháp điều trị
Đây là căn bệnh không khó chữa nhưng nếu để căn bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính sẽ khiến việc điều trị vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bệnh nhân. Chính vì thế khi có những biểu hiện của viêm mũi dị ứng, bạn cần đến Phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh nhân cần lưu ý không được sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Dưới đây là những phương pháp điều trị bệnh:
Điều trị đặc hiệu
Khi tìm được chính xác nguyên nhân gây ra dị ứng, bác sĩ sẽ đưa lượng dị nguyên tăng dần vào cơ thể để tạo ra kháng thể bao vây, từ đó thay đổi sự đáp ứng miễn dịch. Đây là phương pháp giúp điều trị triệt để căn bệnh.
Điều trị bằng phẫu thuật
Nếu các bệnh nhân có thoái hóa cuốn mũi, polyp hoặc do yếu tố giải phẫu gây thuận lợi cho bệnh chẳng hạn như lệch vách ngắn, gai vách ngăn. Việc phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ được yếu tố gây thuận lợi này.
Điều trị bằng việc cách li dị nguyên
Nếu vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh, hoặc không có điều kiện khám chữa bệnh, bệnh nhân cần cách li dị nguyên để điều trị tạm thời như sau:
- Cần cai thuốc lá, và thuốc lào.
- Nên tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, và nhiều cây xanh.
- Phải thay chăn, ga, gối đệm thường xuyên, định kỳ để hạn chế sự phát triển của ký sinh trùng.
- Hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, đeo khẩu trang khi ra đường, lúc quét dọn nhà cửa.
- Không ăn những thực phẩm gây dị ứng hoặc có nguy cơ cao gây dị ứng như sữa, và hải sản,…
- Giữ ấm cơ thể, bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, tránh tắm quá khuya,… đặc biệt khi thời tiết giao mùa, thay đổi từ nóng sang lạnh.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm mốc.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ít nhất 2 lần mỗi ngày.
- Không nên nuôi chó, mèo trong nhà hoặc tiếp xúc với chó, mèo nếu lông thú vật là nguyên nhân khiến bạn bị dị ứng.
Điều trị bằng thuốc
Khi mắc viêm mũi dị ứng, tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh, từ đó bác sĩ sẽ sử dụng thuốc điều trị cũng như phòng ngừa biến chứng khác nhau. Cách điều trị bằng thuốc sẽ giúp khống chế và giảm triệu chứng của bệnh.
Các loại thuốc dùng điều trị gồm: Thuốc kháng Leukotriene, Thuốc kháng Histamin dạng xịt hoặc uống, Thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào, Thuốc kháng cholinergic, kháng sinh, steroid dạng xịt hoặc uống, co mạch.