Trẻ bị viêm VA: Cách nhận biết sớm và điều trị hiệu quả 

Viêm VA là một trong những bệnh lý tai – mũi – họng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi. Khi trẻ bị viêm VA, cha mẹ thường lo lắng vì bệnh có thể ảnh hưởng đến hô hấp, sức khỏe tổng thể và khả năng phát triển của trẻ nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu viêm VA, hiểu rõ nguyên nhân cũng như các phương pháp điều trị phù hợp là điều vô cùng cần thiết.

VA và Viêm VA là gì?

VA là từ viết tắt của cụm từ tiếng Pháp “Végétations Adénoides”, dùng để chỉ một tổ chức giàu tế bào bạch cầu lympho, nằm ở khu vực vòm họng, nơi không khí đi qua sau khi được hít vào từ mũi và trước khi vào phổi. Trong điều kiện bình thường, VA có độ dày khoảng 4–5mm và không gây cản trở đường hô hấp.

Tổ chức VA phát triển mạnh mẽ nhất ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 4 tuổi, sau đó sẽ thoái triển dần từ khoảng 5–6 tuổi trở đi. VA đóng vai trò như một “hàng rào miễn dịch đầu tiên”, giúp nhận diện và tạo kháng thể tiêu diệt các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi họng.

Trẻ bị viêm VA là tình trạng tổ chức VA bị sưng to, gây cản trở lưu thông không khí. Khi VA sưng phì đại thành khối lớn (còn gọi là sùi vòm họng), không khí không thể lưu thông dễ dàng qua mũi, buộc trẻ phải thở bằng miệng, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, phát âm và cả sự phát triển thể chất. Trong một số ít trường hợp, VA có thể tồn tại và viêm mãn tính ngay cả khi trẻ đã lớn hoặc đến tuổi trưởng thành.

Khi trẻ bị viêm VA khiến trẻ nghẹt mũi, thở bằng miệng và ngủ không ngon.
Khi trẻ bị viêm VA khiến trẻ nghẹt mũi, thở bằng miệng và ngủ không ngon.

Phân loại viêm VA và các biểu hiện thường gặp

Viêm VA ở trẻ em được chia thành hai thể chính: viêm VA cấp tính và viêm VA mạn tính. Mỗi loại có đặc điểm nhận biết và biểu hiện khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hô hấp của trẻ.

Viêm VA cấp tính

Viêm VA cấp là tình trạng nhiễm trùng diễn ra đột ngột tại vùng VA (amidan Lushka), có thể kèm theo tiết dịch hoặc mủ. Đây là dạng viêm thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi hoặc sau một đợt cảm lạnh, cúm. Các dấu hiệu nhận biết viêm VA cấp tính ở trẻ:

  • Sốt cao đột ngột: Trẻ có thể sốt lên tới 40–41°C, kèm theo mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn.
  • Co thắt thanh quản: Một số trẻ có biểu hiện co giật nhẹ, đau tai, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
  • Ngạt mũi nặng: Trẻ bị ngạt cả hai bên mũi, nước mũi nhiều, đặc quánh, có màu trắng đục hoặc vàng xanh; trẻ sơ sinh có thể khó bú vì không thở được bằng mũi.
  • Thở ngáy khi ngủ: Trẻ lớn hơn có thể ngủ ngáy, nói giọng mũi kín do VA sưng to cản trở đường thở.
  • Niêm mạc mũi nhiều mủ nhầy: Mũi đầy dịch nhầy khiến việc quan sát vòm họng qua đường mũi gặp khó khăn.
  • Họng đỏ, có dịch nhầy: Niêm mạc thành sau họng đỏ, có lớp nhầy trắng hoặc vàng từ trên vòm chảy xuống.
  • Biểu hiện ở tai: Màng nhĩ mất bóng, màu xám đục và hơi lõm – dấu hiệu cho thấy vòi nhĩ bị tắc, có nguy cơ viêm tai giữa.
  • Hạch cổ nổi nhẹ: Có thể sờ thấy hạch nhỏ ở góc hàm hoặc rãnh cảnh, gây cảm giác đau nhẹ.
  • Xét nghiệm máu: Cho thấy số lượng bạch cầu tăng cao, phản ánh phản ứng viêm cấp tính.

Viêm VA mạn tính

Viêm VA mạn là hậu quả của tình trạng viêm cấp tái đi tái lại nhiều lần, dẫn đến VA phì đại hoặc xơ hóa. Đây là dạng bệnh dai dẳng, thường thấy ở trẻ có cơ địa dị ứng, sức đề kháng yếu hoặc sống trong môi trường ô nhiễm.

Biểu hiện viêm VA mạn tính:

  • Chảy nước mũi kéo dài: Dịch mũi đặc, màu vàng hoặc xanh, có thể là dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát (bội nhiễm).
  • Ngạt mũi liên tục: Tình trạng nghẹt mũi diễn ra thường xuyên, đặc biệt nặng hơn vào ban đêm. Khi VA sưng quá lớn, trẻ phải thở bằng miệng, gây khó khăn trong ăn uống và giấc ngủ.
  • Thở bằng miệng, nói giọng mũi: Trẻ thường xuyên há miệng để thở, giọng nói bị ảnh hưởng, phát âm ngọng hoặc yếu.
  • Biến chứng kéo dài: Nếu không được điều trị đúng cách, viêm VA mạn có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản mãn, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

Việc phân loại và nhận biết sớm các biểu hiện của trẻ bị viêm VA sẽ giúp cha mẹ có hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Đừng chủ quan khi thấy trẻ nghẹt mũi, ngủ ngáy hay thở miệng kéo dài – đó có thể là dấu hiệu cảnh báo VA đang viêm nặng.

Trẻ bị viêm Va có nguy hiểm không? 

Khi tình trạng viêm VA kéo dài mà không được điều trị đúng cách, tổ chức VA sẽ ngày càng sưng to, làm hẹp cửa mũi sau – nơi dẫn không khí từ mũi xuống phổi. Điều này gây ra hiện tượng giảm lưu lượng không khí vào phổi, dẫn đến thiếu oxy lên não, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Hệ quả rõ rệt bao gồm:

  • Nghẹt mũi kéo dài: Dịch nhầy trong mũi không được thoát ra ngoài tích tụ ngày càng nhiều, chảy ra phía trước khiến trẻ khó thở, ngủ không sâu giấc.
  • Trẻ lờ đờ, mệt mỏi: Giấc ngủ kém chất lượng khiến trẻ mất tập trung, dễ cáu gắt, giảm khả năng tiếp thu khi học tập.

Nếu trẻ bị viêm VA không được điều trị sớm và dứt điểm, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng:

  • Viêm tai giữa: Tình trạng VA phì đại gây bít tắc lỗ thông giữa mũi họng và tai giữa (vòi nhĩ), dẫn đến viêm tai giữa cấp, viêm tai mủ hoặc thậm chí thủng màng nhĩ, gây giảm thính lực hoặc mất thính lực nếu không can thiệp kịp thời.
  • Viêm đường hô hấp dưới: Viêm VA kéo theo viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, khí quản và phế quản, ảnh hưởng đến hô hấp và sức đề kháng chung của trẻ.
Trẻ bị viêm Va kéo dài có thể dẫn đến bị viêm tai giữa
Trẻ bị viêm Va kéo dài có thể dẫn đến bị viêm tai giữa

Ngoài ra, trẻ bị viêm VA lâu ngày thường phải thở bằng miệng, do mũi bị tắc nghẽn. Việc thở bằng miệng kéo dài không chỉ ảnh hưởng chức năng hô hấp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển khuôn mặt:

  • Mũi ít hoạt động khiến chóp mũi nhỏ lại.
  • Xương hàm trên không phát triển đầy đủ, dẫn đến răng mọc lệch, lởm chởm.
  • Cằm nhô ra bất thường, khiến tổng thể khuôn mặt mất cân đối.

Đây chính là kiểu khuôn mặt đặc trưng được gọi là “bộ mặt VA” hay “bộ mặt sùi vòm”, là hậu quả của viêm VA mạn tính kéo dài không được điều trị đúng cách.

Điều trị viêm VA ở trẻ em như thế nào?

Cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi trẻ bị viêm VA, bởi nếu VA sưng to kéo dài sẽ làm cản trở việc hít thở qua đường mũi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy lên não. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp mà còn có thể gây suy giảm thể chất và trí tuệ nếu không được điều trị đúng cách. Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa:

Điều trị nội khoa (dùng thuốc)

  • Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý: nên nhỏ mũi sau khi trẻ đi học, đi chơi về hoặc sau khi ăn.
  • Dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc thuốc hỗ trợ theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà vì dễ gây kháng thuốc hoặc điều trị sai bệnh.

Điều trị ngoại khoa (nạo VA): Khi VA phì đại gây tắc nghẽn kéo dài, tái phát nhiều lần hoặc đã gây biến chứng (viêm tai giữa, viêm xoang…), bác sĩ có thể chỉ định nạo VA – một thủ thuật đơn giản giúp giải quyết triệt để ổ viêm.

Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách khi trẻ bị viêm VA sẽ giúp ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ nên theo dõi các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi cần thiết. Sức khỏe hô hấp tốt là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu viêm VA ở trẻ đưa con trẻ đi thăm khám bác sĩ sớm nhất
Cha mẹ cần nhận biết dấu hiệu viêm VA ở trẻ đưa con trẻ đi thăm khám bác sĩ sớm nhất

Giải đáp thắc mắc về việc nạo VA cho trẻ

Khi nào nên nạo VA cho trẻ?

Việc nạo VA chỉ được bác sĩ chỉ định khi thực sự cần thiết, điển hình trong các trường hợp:

  • Trẻ bị viêm VA tái đi tái lại nhiều lần (trên 5 lần/năm), mỗi đợt kéo dài hàng tuần đến hàng tháng.
  • Viêm VA gây ra các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản phổi, rối loạn tiêu hóa.
  • Khối VA phì đại, gây nghẹt mũi nặng, khó thở khi ngủ, nói ngọng, nuốt khó, ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày.

Tuyệt đối không nạo VA trong các trường hợp sau:

  • Trẻ đang mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, lao, rối loạn đông máu.
  • Vùng mũi họng đang viêm cấp tính.
  • Trẻ đang mắc các bệnh do virus: cúm, sởi, sốt xuất huyết…
  • Trẻ bị hen phế quản, dị ứng, hở hàm ếch hoặc đang trong thời gian tiêm chủng.

Nạo VA có nguy hiểm không?

Hiện nay, phẫu thuật nội soi nạo VA là một thủ thuật phổ biến, an toàn và gần như không gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ khi thực hiện đúng chỉ định. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tối đa, cha mẹ nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa Tai – Mũi – Họng nhi, nhằm hạn chế tối đa biến chứng hoặc rủi ro không mong muốn trong quá trình phẫu thuật.

Viêm VA ở trẻ tuy phổ biến nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Cha mẹ cần chú ý những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đi khám sớm, tránh biến chứng nguy hiểm. Sự quan tâm đúng lúc chính là chìa khóa giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Xem thêm:

Zalo