Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến, đặc biệt là tại các khu vực đô thị có mức độ ô nhiễm cao. Dù không đe dọa đến tính mạng, nhưng viêm mũi dị ứng lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như hắt hơi, nghẹt mũi,… làm giảm chất lượng cuộc sống. Điều đáng lo ngại là nhiều người thường nhầm lẫn căn bệnh này với cảm lạnh thông thường, dẫn đến việc điều trị không đúng cách. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về viêm mũi dị ứng từ nguyên nhân, triệu chứng cho đến cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Viêm mũi dị ứng là bệnh gì? Phân loại viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi phản ứng quá mức với các yếu tố từ môi trường như phấn hoa, bụi nhà, lông thú, gây ra các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi và nghẹt mũi. Bệnh có thể xuất hiện theo từng mùa hoặc kéo dài suốt cả năm. Dạng viêm mũi xuất hiện quanh năm không phải lúc nào cũng do yếu tố dị ứng gây nên – thực tế, có đến 25% trường hợp thuộc loại này không liên quan đến dị nguyên.
Hiện nay viêm mũi dị ứng được phân loại:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: Dạng viêm mũi dị ứng này thường khởi phát thành từng đợt rõ rệt trong năm, nhất là vào các thời điểm chuyển mùa như đầu mùa đông, mùa hè hoặc khi thời tiết bắt đầu ẩm ướt. Các triệu chứng có thể bùng phát đột ngột và dữ dội, khiến người bệnh gặp nhiều khó chịu.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm (lâu năm): Khác với dạng theo mùa, viêm mũi dị ứng quanh năm có biểu hiện liên tục và kéo dài, không phụ thuộc vào thời tiết. Người bệnh thường xuyên gặp phải các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và giấc ngủ.

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là kết quả của phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên, đây là những yếu tố tưởng chừng vô hại nhưng lại gây kích thích mạnh ở người mẫn cảm. Các tác nhân này thường lơ lửng trong không khí và xâm nhập vào mũi qua đường hô hấp. Có thể chia thành 3 nhóm chính:
Dị nguyên trong môi trường sống (trong nhà)
Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất, đặc biệt trong các trường hợp viêm mũi dị ứng quanh năm. Các tác nhân thường gặp bao gồm:
- Bụi nhà và mạt bụi: Chứa protein có thể gây kích ứng niêm mạc mũi.
- Lông thú cưng: Chó, mèo và các động vật nuôi trong nhà đều có thể gây phản ứng dị ứng.
- Gián và côn trùng: Chất thải và xác của gián là dị nguyên mạnh.
- Nấm mốc trong nhà: Các loại nấm như Alternaria, Cladosporium, Aspergillus và Penicillium phát tán bào tử cực nhỏ vào không khí, dễ dàng xâm nhập vào mũi và đường hô hấp dưới, gây phản ứng dị ứng.
Dị nguyên trong không khí ngoài trời
Dị nguyên ngoài trời thường gây viêm mũi dị ứng theo mùa, tùy thuộc vào khu vực địa lý và thời điểm trong năm. Một số loại phấn hoa phổ biến:
- Phấn hoa cỏ và cây bụi: Như cỏ armoise, phấn hoa lúa.
- Phấn hoa từ cây thân gỗ
Để theo dõi lượng phấn hoa trong không khí và xác định thời điểm cần tăng cường điều trị, người bệnh có thể tham khảo các lịch phấn hoa do các mạng lưới giám sát môi trường như RNSA (Pháp) cung cấp.
Dị nguyên liên quan đến nghề nghiệp
Một số ngành nghề đặc thù có nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng do tiếp xúc thường xuyên với các chất dễ gây kích ứng:
- Nhân viên y tế và nhà sinh học: Tiếp xúc với động vật, mô, máu hoặc nấm mốc trong môi trường phòng thí nghiệm.
- Thợ làm bánh: Bột mì và men có thể gây phản ứng dị ứng khi hít phải.
Thợ cắt tóc: Các chất hóa học như persulfate trong thuốc tẩy tóc là dị nguyên tiềm ẩn. - Người làm việc với cao su hoặc nhựa mủ: Có thể mẫn cảm với protein từ mủ tự nhiên.
Dị ứng chéo
Một số người có phản ứng chéo giữa dị nguyên hít phải và thực phẩm, tức là bị dị ứng với cả hai loại dù chúng khác nhau về bản chất. Ví dụ: Người mẫn cảm với phấn hoa bạch dương (Betulaceae) có thể bị dị ứng với: Các loại hạt và trái cây hạch như đào, táo, cherry; một số rau củ như cà rốt, rau mùi, cần tây,…
Biểu hiện có thể bao gồm sưng môi, cảm giác kim châm, ngứa rát lưỡi hoặc cổ họng sau khi ăn. Dù chưa có mối liên hệ rõ ràng giữa dị nguyên đường hô hấp và thực phẩm, người bệnh vẫn nên cung cấp đầy đủ thông tin về chế độ ăn và tiền sử phản ứng với thức ăn để được tư vấn kỹ càng hơn.

Triệu chứng của viêm mũi dị ứng: Những dấu hiệu không nên bỏ qua
Những biểu hiện lâm sàng của viêm mũi dị ứng chủ yếu là kết quả của quá trình phản ứng miễn dịch khi niêm mạc mũi và họng tiếp xúc với dị nguyên. Các tế bào tại đây sẽ phóng thích hàng loạt chất trung gian – một số chất có tác dụng ngay lập tức, một số khác gây phản ứng chậm, từ đó tạo ra các triệu chứng đặc trưng của bệnh. Viêm mũi dị ứng thường được chia thành hai thể lâm sàng: thể có chu kỳ và thể không có chu kỳ.
Thể có chu kỳ
Dạng này thường tái phát theo mùa, với các đợt bùng phát xuất hiện vào thời điểm giao mùa như khi bắt đầu vào mùa đông hoặc chuyển sang mùa hè. Người bệnh có thể cảm thấy kích thích đột ngột trong mũi với các triệu chứng rầm rộ:
- Cảm giác cay rát, khó chịu bên trong mũi
- Hắt hơi liên tục, có khi đến vài chục lần liền
- Ngứa mắt, mắt đỏ và chảy nước mắt
- Chảy nước mũi nhiều, dịch mũi trong, loãng như nước lã
- Đau rát kết mạc mắt và vòm họng
Trong những cơn dị ứng nặng, người bệnh có thể bị đau đầu, mệt lả, sợ ánh sáng, và thường tìm nơi yên tĩnh, tối để nghỉ ngơi. Cơn dị ứng có thể tái diễn nhiều lần trong ngày, nhẹ hơn vào buổi tối và thường kéo dài từ vài ngày đến khoảng một tuần rồi tự hết. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tái phát vào cùng thời điểm mỗi năm, kéo dài hàng chục năm nếu không điều trị triệt để.
Ở người lớn tuổi hoặc bệnh nhân bị lâu năm, lớp niêm mạc mũi có thể bị tổn thương mạn tính dẫn đến phù nề, xương cuốn mũi phình đại, thậm chí hình thành polyp mũi, gây ngạt mũi kéo dài.
Thể không có chu kỳ
Đây là thể bệnh phổ biến hơn, không phụ thuộc vào mùa mà tái phát bất cứ khi nào gặp dị nguyên. Các biểu hiện thường xuất hiện vào sáng sớm sau khi thức dậy, sau đó giảm dần trong ngày. Các yếu tố dễ kích hoạt gồm: gió lạnh, bụi bẩn, không khí khô, hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Triệu chứng điển hình bao gồm:
- Sổ mũi nhiều vào buổi sáng
- Nước mũi ban đầu loãng, sau đặc dần, có khi chuyển thành mủ
- Hắt hơi thành từng cơn, trong trường hợp nặng có thể kéo dài hàng giờ, gây mệt mỏi và suy giảm trí nhớ
- Nghẹt mũi từng đợt, thay đổi theo thời tiết và thời gian trong ngày
- Ngứa mũi, đau âm ỉ vùng gốc mũi, khô và rát họng do phải thở bằng miệng
- Thường xuyên khạc đờm vì dịch ứ ở vòm họng
Khi bệnh kéo dài và không được điều trị đúng cách, niêm mạc mũi có thể trở nên phù nề, xung huyết hoặc bị thoái hóa, tạo thành các polyp to và trơn láng. Dịch tiết mũi cũng có thể chuyển sang màu trắng đục, vàng hoặc xanh nếu có nhiễm khuẩn kèm theo.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra nếu có một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Nghẹt mũi kéo dài không rõ nguyên nhân
- Ho hoặc khò khè xuất hiện thường xuyên
- Chảy nước mũi kéo dài kèm theo đau xoang hoặc mệt mỏi
- Các dấu hiệu dị ứng không thuyên giảm dù đã tránh tiếp xúc với yếu tố nghi ngờ
Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả, hạn chế tối đa biến chứng và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng đòi hỏi sự kết hợp giữa khai thác bệnh sử chi tiết và các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. Việc xác định chính xác nguyên nhân không chỉ giúp điều trị hiệu quả mà còn hỗ trợ phòng ngừa tái phát.
Khai thác bệnh sử và triệu chứng lâm sàng
Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc hỏi kỹ về diễn tiến triệu chứng, tần suất và yếu tố kích hoạt như:
- Chảy nước mũi trong, hắt hơi liên tục, ngứa mũi hoặc vòm họng
- Nghẹt mũi kéo dài, có thể đi kèm mất khứu giác
- Các dấu hiệu thường xuất hiện khi tiếp xúc với dị nguyên cụ thể: như phấn hoa, lông thú, nấm mốc hoặc bụi nhà
- Tính chất lặp lại theo mùa, đặc biệt là vào những thời điểm có nhiều phấn hoa trong không khí
- Các triệu chứng đi kèm như: viêm kết mạc dị ứng (ngứa, đỏ mắt), ho khan, hoặc biểu hiện hen suyễn
Thông tin về tiền sử dị ứng cá nhân hoặc trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chẩn đoán.
Test chích da (Prick test)
Đây là phương pháp phổ biến, đơn giản, có độ nhạy cao và chi phí thấp. Bác sĩ sẽ nhỏ một lượng nhỏ dị nguyên nghi ngờ lên da, sau đó dùng kim nhỏ chích nhẹ qua lớp biểu bì. Nếu vùng da xuất hiện vết sưng đỏ (giống như muỗi đốt), phản ứng này cho thấy bệnh nhân có mẫn cảm với dị nguyên đó.
Test da có thể sử dụng: Chiết xuất thương mại chuẩn hóa hoặc dị nguyên tự nhiên (nguyên chất)
Xét nghiệm máu – Định lượng IgE đặc hiệu
Trong một số trường hợp cần xác nhận chẩn đoán hoặc không thể thực hiện test da (ví dụ: da quá nhạy cảm, đang dùng thuốc kháng histamin…), xét nghiệm đo IgE đặc hiệu trong huyết thanh có thể được chỉ định. Kỹ thuật này giúp xác định chính xác cơ chế phản ứng dị ứng qua trung gian miễn dịch.
Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là chi phí cao, do đó thường chỉ áp dụng khi thật sự cần thiết hoặc trong các trường hợp dị ứng phức tạp.
Các yếu tố hỗ trợ chẩn đoán
Việc đánh giá hiệu quả của thuốc kháng histamin hoặc corticoid dạng xịt cũng có thể giúp khẳng định chẩn đoán, đặc biệt khi các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt sau dùng thuốc. Ngoài ra, sự kết hợp với các bệnh lý dị ứng khác như: viêm kết mạc, hen phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa hay bệnh da dị ứng cũng giúp định hướng mạnh mẽ đến chẩn đoán viêm mũi dị ứng.
Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng
Điều trị viêm mũi dị ứng có thể thực hiện thông qua nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm sử dụng thuốc, thay đổi lối sống, biện pháp hỗ trợ tại nhà và liệu pháp đặc hiệu. Trước khi áp dụng bất kỳ hướng điều trị nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp nhất với tình trạng của mình.
Thuốc kháng histamine
Đây là nhóm thuốc phổ biến trong điều trị dị ứng. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của histamin – chất trung gian gây phản ứng dị ứng trong cơ thể. Nhóm thuốc này giúp giảm nhanh các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi.Việc sử dụng thuốc kháng histamin cần có sự chỉ định từ bác sĩ, đặc biệt nếu người bệnh đang có bệnh nền hoặc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc.
Thuốc thông mũi (decongestant)
Thuốc thông mũi được sử dụng để giảm nghẹt mũi và áp lực trong xoang, thường hiệu quả nhanh nhưng chỉ nên dùng trong thời gian ngắn (không quá 3 ngày liên tục). Việc dùng kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng “phản ứng ngược” khi ngưng thuốc, triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số thuốc thường dùng: Oxymetazoline (xịt mũi như Afrin); Pseudoephedrine (Sudafed); Phenylephrine (Sudafed PE); Cetirizine kết hợp pseudoephedrine (Zyrtec-D)
Lưu ý: Những người có bệnh tim mạch, huyết áp cao, rối loạn giấc ngủ, lo âu hoặc vấn đề về tiểu tiện nên tham khảo bác sĩ trước khi dùng nhóm thuốc này.
Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi
Những sản phẩm này thường được chỉ định để giảm nhanh cảm giác ngứa, chảy nước mắt và nghẹt mũi. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá mức, chúng cũng có thể gây hiệu ứng phụ giống thuốc thông mũi, khiến triệu chứng trở lại nặng hơn khi ngừng thuốc.
Thuốc xịt corticosteroid có thể sử dụng lâu dài và thường được ưu tiên để kiểm soát viêm mũi dị ứng vì giúp giảm viêm và ngăn chặn đáp ứng miễn dịch quá mức mà không gây “hiệu ứng hồi ứng” như các thuốc khác.
Tránh tiếp xúc với dị nguyên
Đây là bước quan trọng trong điều trị và phòng ngừa tái phát. Người bệnh cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như:
- Phấn hoa, bụi mịn, nấm mốc
- Lông chó mèo, mạt bụi trong chăn ga gối nệm
- Khói thuốc lá, chất tẩy rửa, nước hoa, mỹ phẩm
- Hóa chất công nghiệp như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, sử dụng máy lọc không khí và đeo khẩu trang khi ra ngoài có thể giúp giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc dị nguyên.
Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy)
Đây là phương pháp điều trị chuyên sâu dành cho người bị dị ứng kéo dài và không đáp ứng tốt với thuốc thông thường. Bác sĩ sẽ đưa vào cơ thể người bệnh một lượng nhỏ dị nguyên theo lộ trình tăng dần để giúp hệ miễn dịch giảm dần mức độ nhạy cảm, từ đó làm dịu phản ứng dị ứng khi tiếp xúc thực tế. Liệu pháp miễn dịch có thể giúp điều trị tận gốc nguyên nhân gây dị ứng, tuy nhiên cần kiên trì và có sự theo dõi chặt chẽ từ chuyên gia.
Khi nào cần phẫu thuật?
Mặc dù viêm mũi dị ứng chủ yếu được điều trị bằng thuốc, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt – như xuất hiện polyp mũi lớn, niêm mạc cuốn mũi bị thoái hóa nghiêm trọng gây tắc nghẽn mũi hoàn toàn – bác sĩ có thể chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật để giải phóng đường thở và giảm triệu chứng kéo dài.
Phòng ngừa viêm mũi dị ứng: Những cách đơn giản nhưng hiệu quả
Việc chủ động phòng ngừa là yếu tố then chốt giúp hạn chế sự tái phát và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Dưới đây là những phương pháp hữu ích bạn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày:
- Giặt chăn, drap, gối bằng nước nóng định kỳ: Ít nhất 1 lần mỗi tuần để tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc và mạt bụi.
- Giữ cho nhà luôn sạch sẽ, thoáng khí: Thường xuyên lau dọn, hút bụi, đặc biệt là ở những nơi dễ tích tụ dị nguyên như thảm, rèm cửa và gầm giường.
- Loại bỏ gián và côn trùng trong nhà: Gián là một trong những tác nhân gây dị ứng mạnh, do đó cần vệ sinh khu vực bếp và thùng rác kỹ lưỡng.
- Trang bị máy hút bụi và máy lọc không khí có màng lọc HEPA: Đây là lựa chọn lý tưởng để loại bỏ phấn hoa, bụi mịn và dị nguyên trong không khí.
- Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi: Nếu bạn bị dị ứng lông chó, mèo hoặc lông chim, nên hạn chế nuôi hoặc không để chúng vào phòng ngủ.
- Tránh các yếu tố môi trường có hại: Như khói thuốc lá, bụi bẩn, khí ô nhiễm, thay đổi nhiệt độ đột ngột, độ ẩm quá cao hoặc quá thấp.
- Rèn luyện thể chất đều đặn: Tập thể dục giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ phát triển các bệnh dị ứng và hô hấp.
Viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái trong cuộc sống. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả, phòng ngừa biến chứng và sống khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Xem thêm: